Logo VNCRM

5 kỹ năng nhân sự mà nhân viên luôn mong muốn ở sếp của mình

Nếu bạn muốn sở hữu một “đội quân” làm việc tinh nhuệ và hiệu quả, thì những kỹ năng nhân sự sau đây sẽ giúp bạn làm được điều đó đấy!

5 kỹ năng nhân sự

Mọi người thường nói rằng, nhân viên nghỉ không phải vì họ muốn từ bỏ công việc, mà là vì họ muốn từ bỏ sếp của mình. Và thường thì, nguyên nhân cốt lõi lại bắt nguồn từ khả năng quản lý con người kém cỏi của một nhà lãnh đạo.

Mặc dù có rất nhiều công ty hiện nay đang tuyển dụng dựa trên tiêu chí kỹ năng mềm là chính, nhưng điều đó cũng không đem lại kết quả gì khả quan nếu trong công ty đang tồn tại những vị sếp thiếu sót với những kỹ năng nhân sự đó.

Một trong những khó khăn trước mắt chính là sự thiếu hụt nhân tài, theo Tony Lee – Phó Chủ tịch chủ bút của Society for Human Resource Management (SHRM – Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực).

Theo ông: “Các công ty đang đẩy nhanh tiến độ hơn vì họ cần tuyển dụng đủ nhân lực cho các vị trí còn trống; và do đó, có nhiều ứng viên lần đầu tiên đã đảm nhiệm vai trò là quản lý viên.

Chỉ vì một ai đó giỏi trong công việc của họ, không có nghĩa là họ cũng giỏi trong vai trò quản lý nhân sự. Nó đòi hỏi rất nhiều kỹ năng nhân sự khác nhau. Và có rất ít trong số các nhà quản lý được đào tạo và hướng dẫn bài bản”.

Không may thay, nhân viên lại là người phải lãnh đủ hậu quả. Trong một cuộc khảo sát gần đây bởi SHRM đã tìm ra rằng, 84% nhân viên đỗ lỗi cho quản lý viên vì họ không đủ tài giỏi và gây ra nhiều áp lực không cần thiết.

Cuộc khảo sát này cũng thu thập nhiều ý kiến phản hồi về những kỹ năng mà một nhà quản lý cần có để quản trị nhân sự là gì. Và đây chính là 5 kỹ năng top đầu mà nhân viên mong muốn quản lý của mình sẽ cải thiện:

Kỹ năng nhân sự giao tiếp hiệu quả

Kỹ năng nhân sự được “săn đón” nhiều nhất trong cuộc khảo sát với 41%, chính là khả năng giao tiếp hiệu quả.

“Giao tiếp luôn là một yếu tố then chốt”, Lee cho hay. “Các nhà quản lý tìm hiểu mọi thứ đang diễn ra trong tổ chức từ chính sếp của họ, hoặc từ các vị CEO của công ty.

Và nhiệm vụ của họ là truyền tải thông tin đến với nhân sự mà họ quản lý. Tuy nhiên, điều này lại không hề được diễn ra như mong muốn”.

Để là một nhà đối thoại giỏi, các quản lý viên cần phải xây dựng kỹ năng lắng nghe và thấu cảm, theo Tim Ringo – tác giả của cuốn sách Solving the Productivity Puzzle. “Điều này lại càng đặc biệt nghiêm trọng hơn trong tình thế hiện tại, khi mà mọi người đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi những sự kiện không may trong năm”, ông tiếp lời.

“Các nhà quản lý sở hữu kỹ năng giao tiếp giỏi sẽ nghiễm nhiên trở thành những ngôi sao sáng cho các năm tiếp theo.

Và ngược lại, nếu không có những khả năng năng này, thì đã đến lúc họ cần phải nhanh chóng phát triển và trau giồi kỹ năng nhân sự này cho chính bản thân mình rồi đấy!”.

Khả năng phát triển và đào tạo nhóm

Nhân viên luôn muốn vươn mình phát triển trong tiến trình sự nghiệp của mình, và 38% trong số họ mong muốn rằng quản lý của mình có thể hỗ trợ họ nhằm tiến tới mục tiêu đó.

“Chức danh quản lý có thể chưa có sẵn ngay, nhưng nhân viên nên được đào tạo để có những bước đi tiếp theo cho con đường sự nghiệp của mình”, Lee bổ sung. “Nhân viên đang hô hào rằng: “Hãy phát triển và đào tạo tôi, không thì tôi sẽ rời đi đấy!”.

Đào tạo và trang bị cho nhân viên những công cụ cần thiết để thành công thì quan trọng hơn bao giờ hết, theo Nicholas Whittall – Giám đốc Điều hành tại nhóm Talent & Organization/Human Potential (Nhân tài & Quản trị / Tiềm năng Con người) của Accenture. Ông cho hay: “Những kỹ năng mới gắn liền với sự sáng tạo, tư duy phản biện, trí thông minh xã hội và tinh thần”.

“Những nhà lãnh đạo có khả năng cân bằng giữa sự thấu hiểu nhu cầu lực lượng nhân sự đang tăng lên – và các thử thách mà doanh nghiệp hiện nay đang gặp phải, là những người cần được đề cao trong những vị trí chiến lược mà công ty đang hướng đến”.

Kỹ năng giao tiếp có thể bồi dưỡng khả năng phát triển của cả một đội nhóm, theo Vanessa Matsis-McCready – Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội và Giám đốc Nhân sự từ Engage PEO, một công ty chuyên cung cấp dịch vụ nhân sự.

“Thông qua phản hồi liên tục, các nhà quản lý có thể biết được thành viên của nhóm mình đang cần hỗ trợ điều gì, và họ có thể tìm kiếm các cơ hội phát triển nghề nghiệp từ nơi đâu.

Từ đó, nhà quản lý có thể thiết kế các dự án và nhiệm vụ sao cho giúp cải thiện kỹ năng nhân sự mà nhân viên mình trong các lĩnh vực mà họ đang gặp khó khăn, đồng thời nhà quản lý cũng có thể trò chuyện với nhân viên về mong muốn của họ trên con đường phát triển sự nghiệp của mình.

Quy trình đào tạo và phát triển chú trọng đến nhu cầu của từng cá nhân như thế này, sẽ giúp nhân viên cảm thấy rằng họ đang được ủng hộ và được lắng nghe từ chính cấp trên của mình”.

Thông thạo việc quản lý thời gian và ủy thác công việc

Khi quản lý không biết cách quản lý thời gian của mình, họ thường sẽ làm những việc mà đáng ra nên được ủy thác. Theo Lee, 37% nhân viên cho rằng đây chính là vấn đề, và họ muốn quản lý nên giao cho họ nhiều việc hơn.

“Nghe thì có vẻ lạ khi bạn nghe nhân viên nói rằng: “Hãy giao cho tôi thêm nhiều việc đi!”, nhưng thực chất họ lại đang hàm ý rằng: “Quản lý đang bỏ mặc tôi ngoài luồng công việc, và không giao cho tôi những việc mang tính quan trọng để làm”.

Theo Matsis-McCready, khả năng ủy thác là một trong những kỹ năng nhân sự quan trọng mà các nhà quản lý thế hệ mới nên học hỏi. “Mọi người thường sa đà vào thói quen cũ – cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao trong thời gian nhanh nhất.

Tuy nhiên nếu như vậy, thì người với vai trò quản lý đang tự hại chính mình, và cho cả chính đồng đội trong nhóm của mình nữa”. Bà bổ sung: “Nhà quản lý đang tiêu tốn nhiều thời gian làm những việc mà đáng lý ra nên được san sẻ bớt cho người khác.

Và nhân viên do đó cũng đang bị tước đi các quyền được trải nghiệm làm những công việc mang giá trị cao cho bản thân và cho cả tổ chức của mình”.

Có khả năng lan tỏa văn hóa đội nhóm một cách tổng quát

Văn hóa doanh nghiệp chính là một trong những mong muốn hàng đầu, và người quản lý có trách nhiệm tìm hiểu về văn hóa, vận dụng vào thực tế và đồng hành xuyên suốt với nhân viên của mình.

Tuy nhiên, 35% nhân viên cho rằng quản lý cần phải nỗ lực hơn cho việc này. Theo Lee, “Các nhà quản lý cần phải chắc chắn rằng nhân viên của mình có một tinh thần tích cực, và được tham gia vào tất cả các lĩnh vực”.

Sự thấu cảm và lòng trắc ẩn đang là những đức tính được mong đợi nhiều nhất từ các nhà lãnh đạo ngày nay, Whittall bổ sung. “Trong một thế giới nơi mà con người đang dần nhận thức hơn về việc sẻ chia, thì sự thấu cảm không còn là một lựa chọn nữa; mà đó chính là một tính cách mà mỗi nhà quản lý cần phải có cho bản thân mình”.

Để có thể xây dựng một nền văn hóa bao quát cần phải vững nền móng từ lòng trắc ẩn. Theo Whittall, “Nền văn hóa thay đổi bao quanh tính bao hàm và tính đa dạng giờ đây căn bản đến nỗi mà ta không cần phải làm nữa; mà điều đó đang tự trở nên như vậy rồi”.

“Những thẻ ghi điểm và các con số đo lường biểu hiện làm việc giờ đây không còn giá trị nữa. Mà thay vào đó, nhà lãnh đạo nên tái định hình lại cách mà họ dẫn dắt con người, và thể hiện trách nhiệm của mình ra sao đối với năng suất và tinh thần của toàn đội nhóm”.

Thành thạo kỹ năng quản trị hiệu quả nhóm

5 kỹ năng nhân sự mà nhân viên luôn mong muốn ở sếp của mình

Cuối cùng, 35% nhân viên nghĩ rằng các vị sếp cần phải cải thiện khả năng quản lý nhóm của họ. Lee cho hay: “Điều này có nghĩa là nhà lãnh đạo cần phải chắc rằng mỗi một cá nhân trong nhóm nên được phát huy hết khả năng của mình”.

“Điều khiến cho nhuệ khí của một đội bị chùn bước, chính là khi có một người không thật sự hứng thú với công việc – không hoàn thành khối lượng công việc được giao – và người khác phải “thế chân” để gánh vác.

Nếu nhà quản lý không quan tâm mà phó mặc nó đi, thì điều đó sẽ tạo nên một cảm giác vô cùng khó chịu cho các thành viên toàn nhóm.

Nhóm nào cũng có những thành viên sáng giá và những thành viên trung bình – nhưng khi những thành viên yếu không có sự can thiệp, thì tinh thần của toàn nhóm sẽ dễ dàng bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu”.

Quan sát biểu hiện làm việc của nhóm lại càng khó khăn hơn gấp bội khi mà mọi người đang làm việc từ xa, Trodella thêm vào.

“Bạn cần phải đặt niềm tin của mình vào các thành viên, để họ được truyền năng lượng tối đa cũng như đồng nhất hơn khi thực hiện các mục tiêu và công việc quan trọng mà nhóm hướng đến”.

“Đồng thời, lòng thấu cảm lúc này cần được phát huy hơn bao giờ hết, khi mà mọi người đang phải đấu tranh với rất nhiều cơn khủng hoảng khủng khiếp hiện nay như đại dịch COVID-19, hỏa hoạn Bờ Tây Hoa Kỳ, và các trận bão lớn ở phía Nam. Có rất nhiều người còn không thể đưa con của họ quay lại trường học được nữa”.

Phát triển năm kỹ năng nhân sự như trên không phải của riêng nhà quản lý, mà là trách nhiệm của từng người, Lee nói.

“Nhân viên nhân sự chính là những người nhận thấy vấn đề nhanh nhất, vì họ lắng nghe được sự phàn nàn hay thấy được vấn đề phát sinh khi một ai đó không làm tốt các kỹ năng này”.

“Là lãnh đạo của một tổ chức, bạn cần nhanh chóng nhận ra vấn đề gì còn tồn đọng, và có những biện pháp cần thiết như tổ chức những buổi training chẳng hạn.

Nhà quản lý nếu muốn thành công trong sự nghiệp; ngược lại, cũng nên tự phát triển và cải thiện những kỹ năng nhân sự cho chính bản thân mình!”

Cùng VNCRM thảo luận và chúc các bạn thành công nhé!

Nguồn dẫn bài viết: Marketing Trips